VƯỜN QUỐC GIA CHƯ MOM RAY

Chư Mom Ray national park

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn và phát triển Vườn quốc gia Chư Mom Ray

 

Đa dạng hệ sinh thái

Vườn Quốc gia (VQG) Chư Mom Ray có tổng diện tích là 56.249,2 ha, thuộc các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mo Ray, Thị trấn Sa Thầy của huyện Sa Thầy và xã Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

VQG Chư Mom Ray là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, tồn tại 7 hệ sinh thái. Kiểu rừng chính ở đây là rừng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới và 5 hệ sinh thái rừng phụ là loại rừng trảng cỏ cây bụi, nơi tập trung của các loài thú móng guốc, thú ăn thịt...

Vọoc chà vá chân xám là động vật quý hiếm được bảo tồn tại VQG Chư Mom Ray. Ảnh: TL.

Vọoc chà vá chân xám là động vật quý hiếm được bảo tồn tại VQG Chư Mom Ray. Ảnh: TL.

VQG Chư Mom Ray có giá trị về bảo vệ môi trường, điều hoà khí hậu, nguồn nước và phòng hộ đầu nguồn cho thuỷ điện Pleikrong, Ya Ly, Sê San 3 và phát triển du lịch sinh thái.

Về thực vật, Vườn có 1.895 loài (80 loài quý, hiếm), thuộc 184 họ và 877 chi. Các loài thực vật quý hiếm như kim giao, thông tre, trắc, cẩm lai…

Về động vật, Vườn đã thống kê được 950 loài, trong đó 176 loài thuộc diện quý hiếm đ­ược ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Các loài động vật quý hiếm như bò tót, bò rừng, trâu rừng, hổ, báo hoa mai và voọc chà vá. Thậm chí, các nhà khoa học sau khi nghiên cứu cho biết, có thể VQG Chư Mom Ray còn có bò xám, nai cà tong và hươu vàng. Đây là những loại động vật được ưu tiên bảo tồn hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới.

Nhằm góp phần bảo tồn những loài động, thực vật quý hiếm, VQG Chư Mom Ray đã trồng, di thực nhiều loại thực vật quý hiếm như trắc, cẩm lai, gõ mật, các loài lan... phục vụ nghiên cứu khoa học.

Cụ thể, vườn đã trồng và bảo tồn 224 ha cây sao đen, dầu, muồng đen; 3 ha trắc; xây dựng được 600 m2 nhà lưới để bảo vệ các loài lan trước nhu cầu chơi lan và khai thác lan có nguy cơ làm cạn kiệt các loài lan quý trong rừng.

Vườn cũng đang cứu hộ nhiều loại động vật hoang dã như khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, tê tê, rùa đất Sê Pôn, rùa núi vàng, kỳ đà... do người dân và các cơ quan chức năng giao nộp.

Năm 2019, VQG Chư Mom Ray đã tiếp nhận cứu hộ 14 cá thể động vật hoang dã do các cơ quan chức năng xử lý chuyển giao. Vườn cũng tổ chức thả về môi trường tự nhiên 88 cá thể sau cứu hộ đủ điều kiện.

Năm 2020, VQG Chư Mom Ray tiếp nhận 08 các thể động vật hoang dã hiện đang chăm sóc cứu hộ.

Ngoài ra, Vườn còn thực hiện chăm sóc, bảo tồn 129 loài lan rừng (1.906 giò); gieo ươm 3.000 cây bản địa (trắc, sao, dầu) để phục vụ cho công tác trồng, bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm.

Nỗ lực bảo vệ di sản

Chính vì VQG còn nhiều loài động, thực vật quý hiếm (nhất là các loài gỗ lớn), nên công tác bảo tồn cũng gặp nhiều thách thức.

Hiện có nhiều đối tượng coi thường pháp luật, chống đối, hù doạ lực lượng bảo vệ rừng ngày càng tăng đã làm ảnh hưởng đến tâm lý công tác của lực lượng bảo vệ rừng trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông qua vùng lõi VQG (Quốc lộ14C; đường tuần tra biên giới; tỉnh lộ 674, 675) có nhiều phương tiện lưu thông nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.

Mặt khác, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường, lượng mưa thấp hơn mức trung bình cùng kỳ nhiều năm, nắng nóng gay gắt kéo dài, đã ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của đơn vị.

Nhằm khắc phục những vấn đề này, ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý VQG Chư Mom Ray cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Theo đó, đơn vị luôn tăng cường công tác giám sát địa bàn, tuần tra nhằm bảo vệ rừng tận gốc.

Ngoài ra, Vườn cũng tăng cường công tác kiểm tra các vùng trọng điểm cháy rừng, đặc biệt chú trọng tại các khu vực tập trung nhiều tre nứa, lau lách. Vào mùa khô, vườn bố trí canh phòng ở những vùng trọng điểm; không để phát sinh nguồn lửa; phát hiện sớm điểm cháy và chỉ đạo quyết liệt huy động các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời.

Bên cạnh công tác bảo vệ rừng, ông Thủy cũng mong muốn Nhà nước tạo điều kiện cho các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên có cơ chế chủ động trong các hoạt động của mình, nhất là các hoạt động nghiên cứu, phát triển khu du lịch sinh thái, tạo công ăn việc làm cho bà con để bớt đi sự phụ thuộc vào rừng.     


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết