VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY 

Điều 1. Vị trí, chức năng của Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray 

1. Vị trí: Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray là đơn vị sự nghiệp lâm nghiệp có thu, chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. 

2. Chức năng: Ban quản lý VQG Chư Mom Ray được giao quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng đặc dụng trên phạm vi địa bàn của các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Ya Xiêr, Mô Rai, Thị trấn Sa Thầy thuộc huyện Sa Thầy và các xã Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan thuộc huyện Ngọc Hồi. 

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý VQG Chư Mom Ray 

1. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển VQG Chư Mom Ray về: tổ chức quản lý rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng và phát triển rừng; khôi phục và bảo tồn các hệ sinh thái rừng; bảo tồn đa dạng sinh học của VQG. 

2. Thực hiện tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vật gây hại rừng, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến VQG. 

3. Tổ chức tuyên truyền, truyền thông giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng sống xung quanh VQG trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.

4. Theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học trong VQG. 

5. Thực hiện các giải pháp nhằm phát triển bền vững tài nguyên sinh vật, tài nguyên đất, tài nguyên nước, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.

6. Tổ chức và tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học để phát triển vốn rừng. 

7. Tiếp nhận, cứu hộ các loài động vật, thực vật, vi sinh vật, tái thả về môi trường sống tự nhiên của chúng sau cứu hộ; tổ chức gây nuôi sinh sản các loài động vật, gieo ươm các loài thực vật để cung cấp giống phục vụ phát triển động, thực vật trong cộng đồng theo quy định của pháp luật. 

8. Lưu trữ, bảo tồn nguồn gen các loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. 

9. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các loại hình dịch vụ khác. Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trên lĩnh vực du lịch và phát triển cộng đồng.

 10. Tiếp nhận và tổ chức thực hiện các nguồn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, phát triển vùng đệm, để phát triển VQG theo quy định của pháp luật. 

11. Thực hiện chính sách về dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật. 

12. Lập kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng; lập các dự án đầu tư xây dựng và phát triển bền vững VQG; tổ chức thực hiện các nội dung theo kế hoạch và dự án đầu tư cho VQG đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. 

13. Lập kế hoạch kinh phí hàng năm cho các hoạt động của đơn vị trình cấp thẩm quyền phê duyệt; quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

 14. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của của Đội chuyên trách bảo vệ rừng (lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng) theo quy định. 

15. Định kỳ báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình diễn biến tài nguyên rừng và các hoạt động khác ở VQG. 

16. Thực hiện các nhiệm vụ phát sinh khác theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.