VƯỜN QUỐC GIA CHƯ MOM RAY

Chư Mom Ray national park

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn và phát huy hệ sinh thái Vườn quốc gia Chư Mom Ray

Vườn quốc gia Chư Mom Ray là một trong số 30 vườn quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng của cả nước, có tổng diện tích là 56.249,2 ha. Đóng vai trò như một “lá phổi xanh” của Bắc Tây Nguyên, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, điều hoà khí hậu, Chư Mom Ray còn là nơi trú ngụ, sinh sống của nhiều loài thực vật, động vật, có loài thuộc diện quý hiếm có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới.

Nhận thấy tầm quan trọng của Vườn Chư Mom Ray, chính quyền tỉnh Kon Tum, đặc biệt là Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã ra sức nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy hệ sinh thái nơi đây. Với những gì đang có, năm 2004 Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Di sản ASEAN.

Phong phú chủng loài, đa dạng sinh học

Với tổng diện tích là 56.249,2 ha, trong đó rừng đặc dụng là 54.583,59 ha; rừng sản xuất 1.665,64 ha. Diện tích rừng phân bổ thuộc các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mo Ray, Thị trấn Sa Thầy của huyện Sa Thầy và xã Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan của huyện Ngọc Hồi. Vườn quốc gia là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, tồn tại 7 hệ sinh thái rừng chính là rừng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới và 5 hệ sinh thái rừng phụ là loại rừng trảng cỏ cây bụi, các kiểu rừng này là nơi tập trung của các loài thú móng guốc, thú ăn thịt,... Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có giá trị về bảo vệ môi trường, điều hoà khí hậu, nguồn nước và phòng hộ đầu nguồn cho thuỷ điện Pleikrong, Ya Ly, Sê San 3 và phát triển du lịch sinh thái.

Chư Mom Ray là nơi sinh sống, cư ngụ của nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm.

Theo khảo sát mới nhất, hiện nay tại vườn quốc gia Chư Mom Ray có 1.895 loài thực vật, thuộc 541 chi, 184 họ. Trong đó ngành Dương xỉ 178 loài, ngành thực vật Hạt trần 11 loài, ngành thực vật Hạt kín 1.302 loài và có 131 loài thuộc diện quý hiếm. Hệ động vật có 950 loài, trong đó: 120 loài Động vật có vú, 290 loài Chim, 42 loài Bò sát, 25 Lư­ỡng cư­, 108 loài Cá nư­ớc ngọt, 365 loài Côn trùng. Trong đó có 176 loài thuộc diện quý hiếm đ­ược ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như vượn đen má hung, bò tót, mang Trường Sơn, gấu ngựa, beo lửa...

Vườn quốc gia Chư Mom Ray được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Di sản ASEAN vào năm 2004.

Với sự phong phú, đa dạng sinh học, việc phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Chư Mom Ray đang được đẩy mạnh, phù hợp với chủ trương phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum. Đến đây, du khách không chỉ được trải nghiệm, thả minh vào thiên nhiên khi Chư Mom Ray có những địa điểm đẹp, hấp dẫn như thác Bảy tầng; thung lũng Ya Bôc, thác Ya Ray... mà còn là nơi học hỏi, giao lưu văn hoá với các dân tộc thiểu số như Gia Rai, Bờ Râu, Ba Na, Xơ Đăng, Cao Lan...

Bảo vệ phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm

Chư Mom Ray được thiên nhiên ưu đãi khi sở hữu hệ sinh thái phong phú giữ vai trò quan trọng đối với môi trường, đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế - du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để phát huy những giá trị này một cách bền vững và lâu dài, cần chú trọng đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng nơi đây.

Quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đào Xuân Thuỷ - Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết: “Xác định nhiệm vụ trọng tâm là quản lý bảo vệ và phát triển rừng nên đơn vị luôn nghiêm túc, kịp thời quán triệt và triển khai các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Huyện uỷ, UBND huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Sở, ngành, trên cơ sở đó xây dựng các kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, tập trung cho hoạt động tuần tra, kiểm soát trong rừng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các dấu hiệu, biểu hiện của vi phạm xâm hại đến rừng từ sớm, từ xa.Vì cũng là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, một số phong tục tập quán có ảnh hưởng đến rừng nên đơn vị đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, tố giác tội phạm...”

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban quản lý đã tổ chức thành công 05 cuộc tuyên truyền với 200 lượt người dân tham gia. Duy trì hoạt động của 12 câu lạc bộ xanh tại 12 trường THCS trên địa bàn huyện Sa Thầy - Ngọc Hồi nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng cho các em học sinh. Duy trì 19 chốt bảo vệ rừng tại các khu vực có nguy cơ xâm hại cao. Triển khai 1.422 cuộc kiểm tra, tuần tra trong rừng, thu gỡ 1.175 dây bẫy các loại, phá dỡ 21 lán trại, trục xuất hàng trăm lượt người vào rừng trái phép, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.

Thường xuyên tuần tra, kiểm tra trong rừng, phát hiện ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng.

Bên cạnh bảo vệ rừng, việc phát triển rừng, bảo tồn và phát triển sinh vật cũng được chú trọng, tiếp tục chăm sóc hơn 50 héc ta rừng trồng, xúc tiến tái sinh tự nhiên 60 ha. Tiếp nhận cứu hộ 9 cá thể (06 cá thể Rùa đầu to; 03 cá thể Tê tê) và tiếp nhận 4 cá thể đã chết (3 cá thể Sóc đen và 1 cá thể Cầy vòi mốc, thành lập Hội đồng tái thả về rừng 7 cá thể (06 cá thể Rùa đầu to, 01 cá thể Tê tê Java) sau chăm sóc đủ điều kiện thả về tự nhiên, chuyển giao 01 cá thể Tê tê Java cho Trung tâm bảo tồn và PTSV VQG Cúc Phương, hiện tại đang chăm sóc, cứu hộ 01 cá thể Tê tê Java; lưu giữ, chăm sóc, bảo tồn 137 loài lan rừng (2.601 giò); tiếp tục chăm sóc 4.000 cây bản địa năm 2021 chuyển sang (trắc, sao, muồng), gieo ươm được 3.000 cây Sao và 2.000 cây Muồng hoa đào để phục vụ cho công tác trồng bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm…/…


Tác giả: Thế Hùng
Nguồn:Báo Việt Nam Hội nhập Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết