VƯỜN QUỐC GIA CHƯ MOM RAY

Chư Mom Ray national park

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện ghi ở Chư Mom Ray - Kì 2: Nơi cứu hộ những loài động, thực vật

Nhiều loài khỉ, vượn quí hiếm có tên trong sách đỏ và nhiều loài động vật khác đã được đưa về đây trong tình trạng chờ chết hoặc thương tích đầy mình, được những cán bộ của Vườn tận tình chăm sóc, cứu sống. Khi thương tích lành, chúng được thả về rừng…

 

Nhọc nhằn gỡ bẫy

 

Ngoài việc gìn giữ rừng thì ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray, đội ngũ cán bộ nhân viên nơi đây đang nỗ lực để bảo vệ các loài thú rừng. Việc bảo vệ cũng gặp nhiều gian nan, vất vả, nhưng vì trách nhiệm, vì sự sống của các loài thú rừng, họ vẫn đang ngày đêm làm mọi điều để giành lại sự sống cho chúng…

 

Đến Vườn quốc gia Chư Mom Ray, nghe những người cán bộ kiểm lâm, nhân viên của Vườn kể về những nỗ lực để bảo vệ những loài thú ở khu vườn này, chúng ta mới thấy trân trọng.

 

Theo anh Đào Xuân Thủy - Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, hàng năm cán bộ của Vườn đã tìm và gỡ được hàng nghìn chiếc bẫy của người dân vào rừng đặt để săn bắt thú rừng trong Vườn. Như để chứng minh cho điều mình nói, anh Thủy dẫn chúng tôi đi đến Hạt kiểm lâm của Vườn rồi chỉ vào góc đầu hồi nhà, nơi có hàng nghìn chiếc bẫy các loại mà lực lượng kiểm lâm gỡ được. Chỉ nhìn thấy những chiếc bẫy này thôi, cũng đủ hiểu nếu không có các anh, không biết bao nhiêu con thú rừng sẽ bị bắt.

 

Cũng theo anh Thủy, để tìm được những chiếc bẫy cũng không hề đơn giản, cán bộ của Vườn phải vất vả ngày đêm bám rừng và đặc biệt phải có kinh nghiệm, chịu khó mới có thể phát hiện được. Và để dẫn chứng, chúng tôi cùng anh Thủy đến gặp những người vừa làm công tác giữ rừng, vừa trực tiếp đi gỡ bẫy để nghe họ kể về công việc vất vả này.

 

Đến trạm Ya Book, gặp chúng tôi ngay tại cửa rừng, anh Từ Tấn Khanh - Trạm trưởng Ya Book cho biết: Trạm có 4 anh em quản lý hơn 5.000ha rừng, bình quân mỗi người hơn 1.000ha. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ rừng, hàng năm anh em thường xuyên đi vào rừng để tìm, gỡ bẫy bảo vệ các loài thú trước nạn săn, bắt của người dân.

 

Theo anh Khanh, thời điểm người dân hay đi đặt bẫy nhất là vào mùa mưa với đủ các loại bẫy to, nhỏ khác nhau để bẫy các loại thú khác nhau. Đặc biệt, việc phát hiện bẫy cũng rất khó khăn vì nó được ngụy trang rất kỹ. Nếu không có kinh nghiệm và tinh mắt thì rất khó phát hiện.

 

Anh Khanh cho biết: Chúng tôi xác định khu vực nào có nhiều thú thì chắc chắn người dân sẽ đặt bẫy nhiều, vì vậy, anh em thường đi vào vùng đó nhiều hơn. Thậm chí một vài ngày lại phải đi lại, bởi có khi hôm trước mình đi chưa có bẫy nhưng hôm sau người dân mới vào đặt. Mỗi lần đi, anh em chúng tôi phải chuẩn bị khá kỹ các dụng cụ, cũng như đồ ăn thức uống để ăn nghỉ trong rừng một vài ngày.

 

Cũng theo lời kể của anh Khanh, trong quá trình đi tìm bẫy, nếu không cẩn thận sẽ bị dính bẫy gây thương tích cho bản thân. Do đó, phải có kinh nghiệm, tinh mắt dùng cây gậy dài thăm dò trước.

 

“Tùy theo đặc điểm từng loại thú mà người dân dùng các loại bẫy khác nhau. Loại bẫy người dân dùng bẫy loại thú leo trên cây hay bẫy thú nhỏ thường để chừa lỗ nhỏ thì còn dễ phát hiện. Còn khó nhất là bẫy mà người dân dùng bẫy thú lớn. Loại bẫy này thường được đặt dưới đất, được phủ kín lá, cây rừng, người dân lại xóa dấu vết, vì vậy, nếu không tinh mắt và có kinh nghiệm thì rất khó phát hiện" - anh Khanh chia sẻ.  

 

 Việc gỡ bẫy rất khó khăn và vất vả nhưng với trách nhiệm, hàng năm hàng nghìn chiếc bẫy thú rừng đã được cán bộ Vườn quốc gia Chư Mom Ray gỡ bỏ. Đơn cử, như năm 2016, lực lượng cán bộ của Vườn đã gỡ được hơn 1.000 chiếc bẫy và từ đầu năm 2017 đến nay cũng gỡ được hơn 150 chiếc bẫy.

 

Chăm sóc thú rừng như con

 

Hễ cứ nghe tin báo có động vật được phát hiện qua đường vận chuyển hay bị dính bẫy là đội ngũ cán bộ của Trung tâm Cứu hộ và bảo tồn, phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Chư Mom Ray) tức tốc tìm đến một cách nhanh nhất. Bởi theo anh Trần Quốc Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Cứu hộ và bảo tồn, phát triển sinh vật, mình đến sớm có thể cứu được thú bị thương, chỉ cần chậm ít phút thôi thì cơ hội sống của những con thú bị thương sẽ mất đi.

 

32 tuổi, Tuấn đã có 8 năm sống dưới tán rừng Chư Mom Ray và làm công việc mà anh ưa thích. Trò chuyện với chúng tôi, Tuấn say sưa kể về rừng, về những loài thú rừng như khỉ, voọc, vượn… mà anh cùng đồng nghiệp gắn bó, cứu chúng lúc chúng bị thương với nhiều lý do.

 

 

Trị vết thương cho các loài thú không may dính bẫy. Ảnh: V.P

 

Rồi, Tuấn đưa chúng tôi vào thăm "khu dưỡng thương" của các loài thú đang điều dưỡng, trị bệnh ở đây. Nào là trăn gấm, kỳ đà, chim trĩ, khỉ má hung, voọc chân xám… Tuấn chỉ từng con giới thiệu về chúng, hầu hết là thú bị bẫy, bắt và vận chuyển trái phép bị ngành chức năng phát hiện rồi đưa về đây điều trị bệnh.

 

Thấy người vào, một chú khỉ con nhảy tót từ trong lồng ra, hai tay quấn quít, mồm kêu i ỉ như làm nũng với Tuấn. Đã hơn một năm được Tuấn và đồng nghiệp chăm sóc, chú khỉ con này dù đã lớn, cửa lồng đã mở nhưng nó không vào rừng mà ở lại đây sống với các "cô, chú".

 

"Lúc người dân đưa nó vào đây, nói mẹ nó bị bẫy chết trên rừng. Khi tiếp nhận, khỉ con yếu ớt lắm, phải bồi dưỡng như em bé sơ sinh, cho bú sữa, bồng bế, vuốt ve… may mà nó sống khỏe mạnh đến giờ" - Tuấn kể.

 

Còn một chú khỉ đã trưởng thành sát lồng chú khỉ con có hoàn cảnh khác, bị người ta bẫy, bị sợi dây thép thít chặt hai bên hông, lòi cả thịt bên trong, nhưng may là chưa hoại tử. Nó thuộc nhóm quí hiếm 2B, do đã lớn nên rất khó tiếp cận điều trị. Ban đầu phải tiêm thuốc mê cho nó ngủ, rồi sát trùng, may vết thương lại, chẳng khác gì bệnh nhân là con người. Được một thời gian, vết thương ngứa ngáy, khỉ nhà ta móc tay gãi sồn sột, vết thương tróc ra lại, trầy trụa lại như ban đầu. Vì vậy, Tuấn bàn với anh em trong đơn vị không may vết thương cho nó mà bôi thuốc sát trùng, thuốc trị thương và thay nhau chăm sóc, phát hiện nó đưa ra gãi là tìm cách ngăn lại. Cứ thế khi vết thương lành hẳn lại mới thôi. Bây giờ, nhìn hai bên hông chú khỉ này, lông đã không còn. Dấu vết một thời đau thương nằm lại vĩnh viễn trên thân nó.

 

"Những con này, điều trị thì được nhưngđể đưa ra môi trường tự nhiên, phải mất cả năm, có khi vài năm"- Tuấn nói.

 

Tuấn kể, mỗi năm đơn vị tiếp nhận rất nhiều trường hợp kiểu này. Đơn cử như năm 2016, Trung tâm đã tiếp nhận, cứu hộ và thả về tự nhiên 44 cá thể động vật hoang dã (khỉ, trăn, cầy hương, rùa, tê tê...).

 

Cũng theo Tuấn, phần lớn các trường hợp trên đều được anh em cứu sống, nhưng cũng có trường hợp nuốt nước mắt, bó tay. Đó là trường hợp cách đây hơn một năm, có một con khỉ trưởng thành được ngành chức năng bắt từ kẻ mua bán thú rừng, giao về đây. Khi tiếp nhận, khỉ đã kiệt sức. Cho uống nước, đút cho ăn, nó đều từ chối, chỉ cào cấu và kêu thảm thiết cho đến khi chết.

 

Nỗ lực gìn giữ bảo tồn nguồn gien

 

Không chỉ bảo vệ các loại thú rừng, những người cán bộ Vườn quốc gia Chư Mom Ray cũng đang làm việc đầy ý nghĩa là bảo vệ và gìn giữ nguồn gien thực vật ngay tại khu vườn.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã trồng mới và tiến hành di thực được hơn 3.000 cây gỗ trắc trong khu bảo tồn với tổng diện tích khoảng hơn 3ha.

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Đào Xuân Thủy cho biết: Gỗ trắc là loại gỗ quý hiếm đang bị săn lùng ráo riết và đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Nhận thấy điều này, chúng tôi quyết định trồng và di thực loại cây này ngay trong khu vườn. Mục đích chúng tôi làm chủ yếu nhằm gìn giữ loại gỗ này không bị tuyệt chủng và điều quan trọng là gìn giữ được nguồn gien của loại gỗ quý này.

 

Cũng tương tự, hiện nay, ngay trong vùng lõi của khu vườn, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đã trồng và bảo tồn được hơn 100 loài phong lan bản địa tại đây.

 

 

Có hơn 100 loài phong lan bản địa được trồng và bảo tồn tại đây. Ảnh: V.P

 

Anh Trần Quốc Tuấn cho biết: Hiện nay, nhu cầu chơi hoa phong lan của người dân khá nhiều, vì vậy người dân địa phương thường vào rừng lấy phong lan về bán nên nguy cơ cạn kiệt ngày càng cao. Từ thực tế đó, để bảo vệ nguồn gien các loài hoa phong lan có nguồn gốc trong vườn quốc gia và trên địa bàn huyện Sa Thầy, hàng ngày, chúng tôi cho anh em vào rừng để lấy các loài lan khác nhau về nuôi, chăm sóc tại trung tâm. Hiện tại, chúng tôi đã thu thập được hơn 100 loài phong lan đang được trồng, chăm sóc tại khu vườn thực nghiệm và đang phát triển tốt.

 

“Sau khi phát triển lên nhiều, chúng tôi sẽ lại đưa các loại phong lan vào sâu trong rừng để chúng phát triển tự nhiên và tạo sự đa dạng về các loại thực vật trong khu vườn”- anh Tuấn cho biết thêm.

 

Những câu chuyện và việc làm của cán bộ, nhân viên ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray nói trên thật đáng trân trọng và cần tiếp tục phát huy. Mỗi người chúng ta hãy nâng cao ý thức nhằm bảo vệ, gìn giữ cho những cánh rừng mãi xanh…

Văn Phương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết