VƯỜN QUỐC GIA CHƯ MOM RAY

Chư Mom Ray national park

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray

Vườn quốc gia Chư Mom Ray tỉnh Kon Tum nằm ở ngã ba Đông Dương, phía Tây giáp Campuchia, phía Tây Bắc giáp Lào, có dãy núi Chư Mom Ray trùng điệp, nhiều sông suối, ao hồ, ghềnh thác... tạo nên tiềm năng lớn để cấu thành một vùng bảo tồn thiên nhiên hoang dã với hệ sinh thái điển hình của khu vực Đông Nam Á. Là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, nổi bật là người Gia Rai và người Rơ Măm.

Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray - Ảnh 1.

Đồng cỏ ya Book

Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray - Ảnh 2.

Hình ảnh rừng tại Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray

Hệ thực vật rừng quốc gia Chư Mom Ray đa dạng về kiểu và trạng thái, đã thống kê được 1534 loài, trong đó có 113 loài quý hiếm thuộc họ phong lan, ngành hạt trần, các loài họ dầu, lớp tuế, kim giao, thông tre, trắc, cẩm lai...

Hệ động vật Vườn quốc gia Chư Mom Ray ghi nhận 718 loài, gồm 115 loài động vật có vú, 275 loài chim, 41 loài bò sát, lưỡng cư, 108 loài cá nước ngọt, 179 loài côn trùng. Trong đó có 124 loài quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới, điển hình như: vượn đen má hung, mang Trường Sơn, bò tót, hổ Đông Dương, voi, gấu ngựa, beo lửa, thằn lằn giả 4 vạch mới, rắn sài mép trắng, rắn trán cúc, chim hồng hoàng, công, đại bàng đất

Ban quản lý Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và thực thi pháp luật trên diện tích 56.249 ha, thuộc địa bàn 08 xã 01 thị trấn của 02 huyện Sa Thầy và huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray - Ảnh 3.

Thác 7 tầng

Đơn vị đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, thường xuyên kiểm tra và ngăn chặn vi phạm, nghiên cứu khoa học, cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật trên diện tích được giao, đã tuyên truyền đến cấp thôn buôn.

Tập trung nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị của rừng, lợi ích của rừng mang lại cho cuộc sống của người dân, tuyên truyền, giáo dục môi trường, giáo dục pháp luật để nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng "phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng", cung cấp thông tin, tố giác tội phạm.

Duy trì hoạt động của 12 câu lạc bộ xanh tại 12 trường THCS trên địa bàn hai huyện Sa Thầy - Ngọc Hồi, truyền thông nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng cho các em học sinh.

Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray - Ảnh 4.

Hình ảnh rừng tại Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray

Triển khai cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với 101 hộ có nương rẫy giáp ranh với Vườn Quốc Gia, qua công tác ký cam kết đã nâng cao trách nhiệm của các hộ dân có nương rẫy giáp ranh với Vườn Quốc Gia trong các hoạt động bảo vệ rừng, trục xuất nhiều trường hợp vào rừng trái phép.

Bên cạnh đó lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan UBND các xã, các đồn biên phòng, Huyện đội, cộng đồng nhận khoán, tổ chức các cuộc tuần tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến rừng.

Duy trì 20 chốt bảo vệ rừng tại các khu vực có nguy cơ xâm hại cao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm. Đến thời điểm hiện tại đã xây dựng và phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2020-2021, chuẩn bị tốt các điều kiện tại chỗ, chuẩn bị lực lượng và phương tiện sẵn sàng cho công tác phòng và chữa cháy rừng mùa khô 2020-2021.

Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray - Ảnh 5.

Hình ảnh rừng tại Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray

Ngoài ra đã thực hiện hỗ trợ 46 thôn vùng đệm với số tiền 1,84 tỷ đồng, số tiền này đã được các cộng đồng sử dụng có hiệu quả, góp phần vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các cộng đồng, góp phần củng cố xây dựng nông thôn mới tại các xã trong năm 2020. Tiếp tục giao khoán 16.391 ha rừng cho 20 cộng đồng ở các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mo Ray, Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan bảo vệ, với số tiền 6 tỷ, 556 triệu đồng. Cấp phát 8.000 cây giống (trắc, hương, sao đen) cho các xã vùng đệm trồng cây phân tán. Thông qua công tác khoán đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các cộng đồng ổn định đời sống.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết